Giới Thiệu Sách Mới
Văn Nghệ Biển Khơi trân trọng giới thiệu:
Lục Bát Nguyên Xuân
thơ San Phi & Hoàng Xuân Sơn
Phối hợp thơ lục bát của hai tác giả San Phi (Nguyên Thu) và Hoàng Xuân Sơn, sách dày 156 trang, tranh bìa và minh họa San Phi, phụ bản HXS, do Văn Học Mới (vanhocmoi4@gmail.com) ấn hành 2024, giá 15 Mỹ kim.
******
NHÀ THƠ
SAN PHI
San Phi tên thật là NGUYỄN THỊ LỆ THU
SN, 16 tháng 10 năm 1994. Tốt nghiệp ngành Ngọc Học, sống và làm việc tại Quận Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh
Tác phẩm đã xuất bản:
- NGỌN NÚI ĐÀO HOA (TẢN THƠ) nhà xuất bản Văn Học Mới.
- Thơ văn in chung:
-
TÌM DẤU THU AN TRÊN CUNG KHẢI NGUYÊN (THƠ) nhà xuất bản Văn Học Mới
-
LỤC BÁT NGUYÊN XUÂN (THƠ) nhà xuất bản Văn Học Mới
- TỔ ẤM GIỮA MIỀN XANH (VĂN, THƠ) nhà xuất bản Hội Nhà Văn
- TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC nhà xuất bản Nhân Ảnh
- DẤU ẤN THỜI GIAN (THƠ, VĂN NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC) nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
- CÔNG CHÚA NHỎ (THƠ) nhà xuất bản Văn Học Mới
- VỀ NGUỒN (THƠ, VĂN, NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC) Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
******
NHÀ THƠ
HOÀNG XUÂN SƠN
Hoàng Xuân Sơn : tên thật, bút hiệu
Bút hiệu khác: Hoàng Hà Tĩnh, Sử Mặc...
Nguyên quán : Nhân Thọ - Đức Thọ - Hà Tĩnh
Sinh quán : Vỹ Dạ - Phú Vang - Thừa Thiên ( Nhầm Ngọ)
Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học Tây Phương - Đại Học Văn Khoa Saigon
Cao Học Chính Trị Kinh Doanh
Trước 1975 : Làm công chức, dạy học
Khởi viết từ năm 1963 . Thơ xuất hiện trên Văn, Chính Văn, Nghiên Cứu Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập, Nhà Văn ...
Định cư tại Gia Nã Đại (Montreal) từ tháng 11/1981 Cộng tác với đa số các tạp chí văn học ở hải ngoại và trên liên mạng
Góp mặt trong nhiều tuyển tập văn chương
Đã xuất bản:
- Viễn Phố (Thi tập - Việt chiến, 1988) - tuyệt bản
- Huế Buồn Chi (Thi tập - Tự ấn hành, 1993)
- Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (Thơ - Thư Ấn Quán, 2004)
- Cũng Cần Có Nhau, viết về sinh hoạt thanh niên, sinh viên giai đoạn 1965-1975 và sinh hoạt Quán Văn tại SàiGòn (Phóng bút - Nhân Ảnh, 2013).
- Thơ Quỳnh (ebook - thi tập do T.Vấn & Bạn Hữu cùng tác giả phát hành, 2017)
- Thơ Quỳnh đã được Văn Học Mới (Hà Nguyên Du chủ trương) xuất bàn và phát hành trên Amazon.com
- Tìm Dấu Thu An Trên Cung Khải Nguyên, thi tuyển Nguyên Xuân (San Phi - Hoàng Xuân Sơn)
- Lục Bát Nguyên Xuân (San Phi - Hoàng Xuân Sơn)
Dự tính trong tương lai, in ấn và phát hành:
- CD Quỳnh Hương trình bày ca khúc của mười nhạc sĩ tiêu biểu.
- Ở Dạng Bản Thảo (Liên khúc thơ)
- Thơ Phiêu - Sử Mặc
- Lục bát HXS toàn tập
- Đóa Hồng Buồn Trên NgọnTháp Khô - Thơ tuyển liên mạng
- Thù Tạc (với bằng hữu)
- Tuyển tập Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt, HXS phóng chuyển
- Viễn Phố - Thơ tuyển HXS, tái bản
******
TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
HOÀNG XUÂN SƠN & SAN PHI
LỤC BÁT NGUYÊN XUÂN
MỘT MỐI DUYÊN THI CA
MỘT PHONG CÁCH DIỄN CẢM RẤT MỚI CHO CHỮ NGHĨA
Dù hai thế hệ khác nhau nhưng hầu như không có khoảng cách chia biệt, khiến không ai có thể nhận ra những thủ thuật điêu luyện qua đẳng cấp nhả chữ rất tinh tế và vô cùng sắc bén của hai tài năng... Sự tinh tụ của hai phong cách biểu cảm hết sức lôi cuốn qua chất liệu ngôn ngữ cận đại, mà mỗi người “lả lướt” hay phóng bút theo đường nét riêng: “lạ lẫm” “mới mẻ” và “tinh khôi”.
Qua đời thơ lão luyện của Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, những tinh chữ mang nhụy nghĩa như một vầng trăng 16 luôn thử thách với bao rèm mây lũ lượt bay bay như vũ điệu nghê thường ru êm nhiều cung bậc vừa du dương, réo rắt.!
Và với đời thơ còn rất trẻ của Nhà thơ Nữ San Phi, qua phong độ hào phóng có vốn tích lũy, với phong cách nhả chữ mang tính đột phá tạo bất ngờ cho người đọc. Như ánh ban mai rạng rỡ vào sáng tinh mơ... phảng phất những gợn sương mỏng đầy thơ mộng, tính long lanh của con chữ vẫn như ánh đèn pha theo gió ngàn reo cảm xúc. Với nghệ thuật ẩn dụ “đa tầng” rất dễ cuốn lại cũng dễ hiểu... bởi vốn liếng của hồn chữ!!
Xin trân trọng gửi đến quý Thi Văn hữu và quý bạn đọc toàn cầu... Tập thơ: “LỤC BÁT NGUYÊN XUÂN” , của hai Nhà thơ của hai thế nhập dòng văn chương, họ cùng nhau tỏa sáng!! Thích lắm thay với tên tựa tập thơ ghép tên hai tài năng “Nguyên - Xuân” lại có thêm nghĩa ẩn tuyệt vời..
HÀ NGUYÊN DU
Chủ biên Tạp chí Văn Học Mới
hanguyendu@gmail.com
oOo
Nguyên thu ngấn tích trang hoàng...
Nhân đọc “Lục Bát Nguyên Xuân” - Hoàng Xuân Sơn & San Phi
Vũ Hoàng Thư
Cuối tháng ba có những cơn sấm hiếm hoi rền rĩ bầu trời, Cali năm nay ướt át nhiều hơn thường lệ. Khí trời xung lạnh mưng ụ gai ốc làn da, mang mang từng tầng ký ức trở về. Đêm trở gió vang lời hỏi han vô cớ, giờ này có ai đi ngoài mưa bão như Dũng của Đoạn Tuyệt cho tóc lộng gió bốn phương không nhỉ? Hay người chỉ muốn vùi ngủ một giấc xuân êm đềm để Mạnh Hạo Nhiên đánh thức ở buổi mai tra vấn, Dạ lai phong vũ thanh / Hoa lạc tri đa thiểu? (Xuân Hiểu). Đêm qua gió và mưa, hoa rụng nhiều hay ít?
Cuối tháng ba, giao mùa khơi nguyên xuân mới nơi chốn tạm cư bắc bán cầu này. Mùa len mới, một sự bắt đầu. Đêm qua hoa dẫu có rụng ít nhiều, xuân vẫn sẽ mời khơi ong bướm, vạn vật xòe bung cánh gọi. Gọi gì? Gọi tình ấp úng hay gọi tình buổi ban sơ trong thế giới tôi và em, Chỉ một chút đã rình rang yêu (San Phi, Tình Như Vạt Nắng)?
Tình cờ hay hữu ý, Hoàng thi sĩ và San cô nương gửi cho tôi xem bản thảo “Lục Bát Nguyên Xuân” vào đúng tiết Lập Xuân. Nhớ lối trước Bùi thi sĩ có tiên đoán trong Mưa Nguồn, “Thưa rằng: ly biệt mai sau / Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”
Nguyên là nguyên sơ, nguyên thủy, nguyên lai hay vốn dĩ? Hay lục bát nguyên xuân ấy vốn dĩ dàn trang trực nhập vào mộng mị của chiêm bao? Mộng trung hữu mộng?
“Lục Bát Nguyên Xuân” tập hợp những vần lục bát diễm lệ, ngợi ca tình tự lứa đôi đẹp nhất, thăng hoa phấn chấn trong bút mộng yêu đương. Không biết liên hệ giữa hai tác giả là gì, họ có cùng nhìn nhau về một hướng, có hẹn hò đêm khuya thanh vắng hay không, nhưng ngẫu nhiên lời thơ vấn đáp qua lại nghe như từ một đôi uyên ương gắn bó khít khao. Dĩ nhiên họ ở cách xa nhau một đại dương lớn [hay bằng một con sông, quân tại tương giang đầu / ngã tại tương giang vĩ ?], họ chưa hề gặp nhau, vậy mà ý, tứ, thơ không hẹn lại quyện lấy nhau, tung hứng uyển chuyển, nhiệt hứng liên hoan. Có thể đây là một mối duyên thi ca diễm tuyệt lạ kỳ, hiếm hoi chăng?
Anh viết sao thức gìn đêm
Qua khe lá
Em lục tìm trăng hoa
Chia anh chiếc bàn tay xa
Vũ trụ vỡ ối giao thoa nồng nàn
(Hái Đóa Trăng – San Phi)
Sao lại gọi “gìn” đêm? Gìn là không sai chạy, không để mất. Có thể nói “giữ” đêm chăng? Được chứ, nhưng chữ gìn đắc địa hơn, thơ mộng hơn, tiết nhịp êm ái lưu ly hơn, đồng thời níu kéo ba đào để thanh tân dồn dập, ôm ấp lòng đêm nhìn vầng trăng mới về như ông Trịnh. Anh viết sao thức gìn đêm. “Sao” ở đây là sao trời thắp giữ lấy lòng đêm hay là câu hỏi “tại sao” em thức suốt trường canh ôm níu đêm khuya? Chỉ một câu thơ mà San cô nương mở phơi trùng lập chon von để lại trong lòng người đọc bao chất vấn bất tận, dư vang bao “vỡ ối giao thoa” !
Không trách, từ nửa địa cầu xa, Hoàng gióng lời âm vọng dắt dìu tồn sinh lảo đảo,
Giọt xa trong mỗi sương gần
thì xin uống lấy tuý ân của tình
(Thơ Dại Tìm Về – Hoàng Xuân Sơn)
Ở một bài khác, Hoàng Xuân Sơn ví mình như con bọ cánh cam, loài bọ vốn hay trú ẩn kín đáo mặt dưới lá cây trong giấc đông miên, và trở dậy khi xuân về. Xuân phơi phới tình nhưng hồn còn đượm nét khắc kỷ của bọ cánh vàng, Hoàng bắt gặp mình trong dằn vặt cấu xé tỷ như thân ví xẻ làm đôi, một bên là chốn già lam phi phàm và bên kia “nhìn một chớp mắt đã vin” chuyện tình.
Ta rồi cứ rượt bắt nhau
Em thoắt biến
Hiện
Tôi màu cánh cam
Nằm trong quả. vỏ
Phi phàm
Làm sao nghe được già lam
chuyện tình
(Trường Kỳ Bất Biến – Hoàng Xuân Sơn)
Vậy thì làm sao, làm sao trong bất khả, làm sao trong vô bất khả, San Phi một mình dấn bước khúc mê,
Ừ, còn ta và chỉ ta!
Níu- Buông- Mê- Tỉnh, thức
Là cơn mơ
(Lạc Hồn – San Phi)
Bài thơ Vết Dấu Bội Hành là quẻ gieo từ “Một đồng xu gửi mênh mông” của Hoàng Xuân Sơn về một nàng Thơ xa vắng, một người em gái linh hoạt dị thường bát ngát trong dồn dập nhớ nhung. Có lẽ Hoàng muốn vin vào tử vi để tìm cho mình một giải đáp thích ứng.
Văn xương khúc
Đóm tù mù
Tử vi đồi tía thừa dư cọc tình
(Vết Dấu Bội Hành – Hoàng Xuân Sơn)
Văn xương, khúc xương ở cung mệnh là người có vẻ mặt thanh tú, đàn bà có nhan sắc, thông minh. Văn Xương cũng là người đa sầu, đa cảm, đa tình. Chẳng biết “Ba ngôi sao đính dọc hàng” trong bài thơ của Hoàng có phải là Thiên Tướng, Lộc Tồn, Thiên Mã hay không? Được như vậy, ba sao cùng hội chiếu với Tử Vi thì người này sẽ có một đời phú quý song toàn. Cứ hy vọng, bởi dầu gì Hoàng cũng sẽ thừa dư cọc tình, và San Phi thì hứa hẹn,
Ờ …
Thì xa tựa trời mây
Hãy tin
Nhật nguyệt vẫn say giấc tìm
Ta và nhau một chút tin
Chỉ một chút đã rình rang yêu.
Yêu như hạt nắng đã chiều!
(Tình Như Vạt Nắng – San Phi)
Chữ “nhau” trong câu thơ “Ta và nhau một chút tin” là một cách dùng chữ mới lạ, cô San Phi biến tỉnh từ “nhau” thành danh từ, cô luôn đem người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Nếu ngẫu nhiên xếp đặt một bài thơ của Hoàng Xuân Sơn đứng kề một bài thơ của San Phi rồi ngân nga đọc, độc giả ắt phải lý thú phát hiện những đối thoại [hay độc thoại] kết tinh từ hai cung bậc mênh mang nguồn mạch tân thanh. Ví dụ hai đoạn của “Trường Kỳ Bất Biến” và “Lạc Hồn”,
Trong khuya có sớm
Thôi
Thì
Nhìn nhau một phút định kỳ
Thiên thu.
(Trường Kỳ Bất Biến – Hoàng Xuân Sơn)
“Trong khuya có sớm thôi thì / Nhìn nhau một phút định kỳ thiên thu”. Thi sĩ nói như ngôn tình nhưng nghe ra không chỉ quẩn quanh đôi lứa mà chất chứa một tư lự xuyên suốt tinh thể cuộc đời, của kết tụ vô thường, của hai mặt sấp ngửa thiết cốt trần gian. Trong hiện hữu đã mang mầm hủy diệt, trong ngắn ngủi đã hàm chứa vĩnh khúc thiên thu. Từ bao giờ thi sĩ thành kẻ tiên tri gửi gió tiếng nói phiêu bồng?
Ta như nghe thấu cô đơn
Ta rưng rưng sợ hoàng hôn tan ngày
Ta khóc khi chiếc lá bay
Ta đau khi đóa trăng gầy ruột
Quên
(Lạc Hồn – San Phi)
Một ví dụ khác từ “Đá Tảng Vô Bờ” của Hoàng áp với “Trầm Luân” của San cô nương,
Tôi chào người giữa xuân phai
Một thiêm thiếp nhớ giêng hai ngùi ngùi
Mơ sống lại một lần vui
Đá muôn thu dậy tảng đời thiết thao
(Đá Tảng Vô Bờ - Hoàng Xuân Sơn)
Đừng. [anh]
Anh đừng bước. san
Phía trước vực thẳm sau nàng.
Cõi mê
(Trầm Luân – San Phi)
Và không hẹn mà cả hai cùng nói về núi. Núi là Sơn, là San?
Tôi đi tìm mệnh số nhau
Đào hoa núi cấm vấp vào cung thu
(Vết Dấu Bội Hành – Hoàng Xuân Sơn)
Cánh hồn nhiên lạc mắt ai
Để cho núi. cũng biết ngồi ngẩn ngơ
(Tình Như Vạt Nắng – San Phi)
oOo
Hoàng Xuân Sơn, thi sĩ đệ nhất lục bát hải ngoại, một trong những người tiên phong khởi xướng trường phái lục bát ngắt dòng. Lục bát của Hoàng ý, lời, sắc nét hàn lâm sang cả, chữ nghĩa thần kỳ đắc địa. Ông đã tạo cho mình một khí hậu 6/8 riêng biệt, đọc thơ Hoàng không cần tìm tên tác giả ta cũng thấy hơi hướm Hoàng Xuân Sơn. Đó là một tuyệt tài với nội công hàm dưỡng thâm hậu, một thiên tiên cốt cách đáng nể trên thi đàn Việt hải ngoại. Thơ Hoàng Xuân Sơn góp mặt bát ngát khắp mọi nơi hải ngoại từ báo giấy cho đến báo văn học liên mạng, và nhất là mạng xã hội Facebook. Sức sáng tác của ông thật sung mãn và bền bỉ, có thể nói thơ phới lên theo từng hơi thở của nhà thơ.
Về nhà thơ San Phi, tôi chỉ mới làm quen với thơ của cô từ mạng xã hội FaceBook khoảng chưa được một năm nay nhưng đã kinh ngạc về tố chất thiên hương của một anh tài phát tiết. Thơ San Phi gần đây đã góp mặt trên báo chí khắp mọi nơi, trong nước cũng như hải ngoại. Tuy còn rất trẻ, bút lực San Phi già dặn và chững chạc như một cao thủ thượng thừa. Những bài thơ lục bát của cô trong tập thơ này tự chúng đã biểu hiện cho chúng ta thấy một tài năng trẻ hiếm có của thi ca Việt Nam.
Tháng ba oanh yến hót chào trên cỏ non xanh tận. Xuân du phương thảo địa như Uông Thù mời gọi, tôi thong dong bước vào một cõi thơ thật riêng biệt, tinh hoa quy tụ bồng phiêu khác thường của “Lục Bát Nguyên Xuân”. Ở đó tôi bắt gặp nét lung linh của hơi thở ẩn mờ sương thu tĩnh dạ, đê mê của thi ca và tình ái, như một tiếng ngân cao nhã nối liền hai mùa đẹp nhất của năm: thu và xuân. Nguyên thu ngấn tích trang hoàng, đã trường sở trụ bạt ngàn núi xuân, có phải? Xin trân trọng giới thiệu cùng chư độc giả hải-nội ngoại “Lục Bát Nguyên Xuân” mà tôi vừa được hân hạnh đọc bản thảo.
Vũ Hoàng Thư
Lập Xuân 2024
****************
10 bài thơ trích trong tập LỤC BÁT NGUYÊN XUÂN:
VẾT DẤU BỘI HÀNH
Ba ngôi sao
Đính dọc hàng
Huyền cơ của một lâm sàng
Gửi
Trao
Tôi đi tìm mệnh số nhau
Đào hoa núi cấm vấp vào cung thu
Văn xương khúc
Đóm tù mù
Tử vi đồi tía thừa dư cọc tình
Biếm vào thư họa cung nghinh
Ở đâu trang trí
Ngục hình bao la
Lặn
Ngụp
Hồng trần hằng hà
Những viên đá quý
Tìm ra xứ miền
Phố của nhà
Huyện
Thần tiên
Cổ tích chiếc vé triền miên bội hành
Lượt về
Bắc đẩu ghi xanh
Lần xuống phiên nhạc
Thị thành hoan ca
Ba vì tinh tú bỗng là
Chiếc vương miện của hoàng gia lục hồng
Một đồng xu gửi mênh mông
)(
h o à n g x u â n s ơ n
26 tháng mười, năm 23
Tình Như Vạt Nắng.
Hột sương đêm
Giọt nắng ngày
Mong manh
Chỉ một phút say ngật ngầy
Cánh hồn nhiên lạc mắt ai
Để cho núi. cũng biết ngồi ngẩn ngơ
Cái chớp của một khắc chờ
Mà sao cảm tưởng như thơ lạc vần
Nghe tuồng như rũ rượi trăng
Va nghe như hạt nhớ luồng vào tim
,
Anh ơi!
Cuộc đuổi bắt. tình
Khởi từ điểm xuất em xin được hàn
Anh. Huyền ảo như sao trăng
Con tim khắc bỗng lạc vùng thiên thai
Ờ …
Thì xa tựa trời mây
Hãy tin
Nhật nguyệt vẫn say giấc tìm
Ta và nhau một chút tin
Chỉ một chút đã rình rang yêu.
Yêu như hạt nắng đã chiều!
@.S.P 30-11-23.
T H Ơ D Ạ I T Ì M V Ề
Giọt xa trong mỗi sương gần
thì xin uống lấy tuý ân của tình
Tràn ngập nhau
mưa
phiêu linh
Mây gom tụ hội bóng hình thân thương
Đừng. [không ]
đừng bước sang đường
Bên kia bóng tối
là tường rêu thâm
Đừng ngủ
khi mùa thu âm
Ngọn rét của gió
tiếng thầm của mưa
Nghe đi
phiên khúc dại khờ
Hát em. điệp lại
bài thơ dại về
)(
h o à n g x u â n s ơ n
20 janvier, 2024
Hái Đóa Trăng.
Anh
Ngôi sao đã tượng hình
Khi trời đất
Thổi
phục sinh nắng vàng
Khi con chữ biết đi hoang
Bóng đêm
Anh sáng
Cùng hân thưởng tình
,
Anh viết sao thức gìn đêm
Qua khe lá
Em lục tìm trăng hoa
Chia anh chiếc bàn tay xa
Vũ trụ vỡ ối giao thoa nồng nàn
,
Trắng bông tuyết trắng nhỏ xinh
Trổ lên ngọn gió khúc bình minh vang
Vén mây hái vội đóa trăng
Một lần vén đã in hằng
Trăm năm.
San Phi 6.1.24.
TRƯỜNG KỲ BẤT BIẾN
Ta rồi cứ rượt bắt nhau
Em thoắt biến
Hiện
Tôi màu cánh cam
Nằm trong quả. vỏ
Phi phàm
Làm sao nghe được già lam
chuyện tình
Nhìn
Một chớp mắt
Đã vin
Sức bật của nắng
Mẹ mìn của âm
Nói. gióng qua miệt tâm thần
Miểng che kiếng gió
Cũng lần lượt
Rơi
Về đâu
Tấm áo quan hoài
Chút mầu son nhạt
Đã phai cùng mùa
,
Em. chững chạc
Biến cuộc đua
Về miền thanh lợi được thua
Trùng phùng
Vẫn còn
Thức nỗi đau
Chung
Làm sao giếng cạn
Mà sông tài bồi
Khoảng cách đầy của tuổi vơi
Ta thôi nôi với tuổi đời ngây ngô
Như đá *
Người bạn trầm trồ
Hân ly một chuỗi ban sơ
Cực kỳ
Trong khuya có sớm
Thôi
Thì
Nhìn nhau một phút định kỳ
Thiên thu.
)(
h o à n g x u â n s ơ n
4 nov 23
*TCS, rồi như đá ngây ngô
LẠC HỒN
Gió thổi mây
Gió thổi hoa
Thổi tôi giấc ảo xa đà
Khúc mê
Vào anh quên bẵng lối về
Gió ơi đừng thổi
Ta nghe lạc hồn
Ta như nghe thấu cô đơn
Ta rưng rưng sợ hoàng hôn tan ngày
Ta khóc khi chiếc lá bay
Ta đau khi đóa trăng gầy ruột
Quên
Lạnh lùng như chưa từng quen
Điếng lòng một thuở nào nghèn nghẹn xa
Ừ, còn ta và chỉ ta!
Níu- Buông- Mê- Tỉnh, thức
Là cơn mơ
San Phi. 13.2.24.
ĐÁ TẢNG VÔ BỜ
Đá tảng nằm im lâu năm
Vô bờ nhiệm ý truy tầm vãng lai
Là rêu của tiếng thở dài
Trên cung năm tháng mùa mai đợi chờ
Tay mòn một chút lửa hơ
Biết gì cánh gió xô bờ lục vong
Sáng tôi lên một xứ lòng
Từ phiền muộn đã long đong phố người
Tôi chào người giữa xuân phai
Một thiêm thiếp nhớ giêng hai ngùi ngùi
Mơ sống lại một lần vui
Đá muôn thu dậy tảng đời thiết thao
Tháng ba nào vẫy tay chào
Người trao muộn đóa ngọt ngào phù dung
)(
h o à n g x u â n s ơ n
hxs@9jan24
TRẦM LUÂN
Cánh trăng gầy
Sỏi xanh sao
Dấu hài đã lặn buồng cau đã già
Lời ước hẹn, người với ta
Dạ quang thắp bút bực nhòa nhạt tan
Khi từng chiếc lá lìa cành
Lặng người từng bước xa dần dấu chân
Đừng. [anh]
Anh đừng bước. san
Phía trước vực thẳm sau nàng.
Cõi mê
Màng tơ giăng lối anh về
Giọng thương quen vẳng
Vọng kề bên tai…
“Em chợt hình dung kiếp mai”.
Yêu anh là đoạn chuỗi ngày
Trầm luân
San Phi. 29.2.24.
SAO KÍN
Em ngậm tôi một ngón say
Lô sơn yên tỏa khói mây rờn rờn
Ta nghe nhau từng bãi cồn
Đốt xương lóng thịt màu son sắt tình
Ô kìa rạng rỡ phiêu linh
Thức giấc như nguyện cung đình thiết thao
Vườn uyển mở cửa xin vào
Suối khe thác tháp bờ cao cỏ mềm
Gìn vàng một cõi nguyên hương
Sao khuê trong mộc xuống hàng sao hôm
Màu tư của khải nguyên rằm
Là thu an dấu vết trăm năm đầy
Bến tuyền trăng thở rất ngây
Chín sương nụ ẩm tới ngày chu lưu
Tôi nuốt em cả hạnh đào
Rừng cây mật ước dâng sao kín hồn
)(
h o à n g x u â n s ơ n
20 janvier 24
KHOẢNG TRỜI YÊU ĐÃ BẮT TIN
Người xa ta người có hay?
Thềm rêu đã chết trăng gầy guộc trông
Câu thơ tìm lửa đốt hong
Này tình nhân hỡi mây giăng chốn nào
Rót ta nửa chữ đồng dao
Thiền ta cạn uống người đâu cận người
Ta từ thiền tâm chơi vơi
Câu thơ bỏ lửng dòng đời ngã nghiêng
Trăm mơ nguyên bản thuyền quyên
Ta khờ, ta nắm, ta lênh đênh tình
Thức ta nét mực còn in
Thức ta mắt ướt hỏi tình nhân đâu?
Người đi trăng cũng nhạt màu
Đêm ta hái mộng nát nhàu hoang khơi
Tiếng yêu thương vút lên trời
Sương mưa tan chảy tơi bời lá hoa
Người xa ta, người đã qua
Hồn ta đã chết, trần ta còn dài
Ta gào thét nỗi oan sai!
Ta mê, ta tỉnh, ta đày đọa ta
Đồng dao ngày cũ đã già
Sơi mơ chưa hóa , lòng sa mạc ngầm
Khát khao từng giọt trăm năm
Thèm tìm con chữ, từng chăm chút tình
Khoảng trời yêu đã bắt tin
…
San Phi. 8.3.24. |